Sông Bạch Đằng là một trong những địa danh lịch sử nổi bật của Việt Nam, gắn liền với những chiến công vang dội trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Đây không chỉ là tuyến đường thủy chiến lược mà còn là nơi khắc ghi tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất và tài thao lược của cha ông ta. Với đặc điểm tự nhiên độc đáo, vị trí địa lý quan trọng và các di tích bãi cọc lịch sử, sông Bạch Đằng xứng đáng được tôn vinh là biểu tượng của sức mạnh và sự kiên cường của dân tộc.
Sông Bạch Đằng, còn được gọi là sông Vân Cừ, nằm giữa thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng). Con sông dài 32km, bắt đầu từ Phà Rừng và chảy ra cửa Nam Triệu. Đây là tuyến giao thông thủy quan trọng, kết nối miền Bắc Việt Nam với các tỉnh phía Nam Trung Quốc thông qua hệ thống sông ngòi chằng chịt.
Đặc biệt, sông Bạch Đằng nằm cách cửa Lục của Vịnh Hạ Long khoảng 40km và thuộc hệ thống sông Thái Bình. Với vị trí địa lý này, con sông đã trở thành một cửa ngõ chiến lược, không chỉ phục vụ giao thương mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng đồng bằng Bắc Bộ khỏi các cuộc tấn công từ biển.
Sông Bạch Đằng nổi bật với hệ thống sông phụ và địa hình đa dạng, bao gồm núi non hiểm trở, rừng rậm và các nhánh sông nhỏ đổ vào hoặc dẫn ra biển. Dòng chảy của sông chịu ảnh hưởng lớn từ thủy triều, với nước dâng từ nửa đêm đến sáng và chênh lệch mực nước lên tới hơn 3 mét giữa lúc triều lên và triều rút.
Những đặc điểm tự nhiên này đã tạo điều kiện lý tưởng cho các trận thủy chiến trên sông, giúp quân dân ta tận dụng lợi thế địa hình để đánh bại kẻ thù. Trong trận chiến năm 938, Ngô Quyền đã sử dụng chính dòng chảy xiết khi thủy triều rút để bẫy quân Nam Hán vào thế trận cọc ngầm và giành chiến thắng lịch sử.
Một trong những yếu tố đặc biệt làm nên chiến thắng tại sông Bạch Đằng chính là hệ thống bãi cọc được bố trí công phu, với sự tính toán kỹ lưỡng về vị trí và cấu trúc. Đến nay, các bãi cọc còn lại là minh chứng sống động cho tài trí quân sự và ý chí kiên cường của ông cha ta.
Bãi cọc Yên Giang nằm ở cửa sông Chanh, thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Được phát hiện vào năm 1983 khi người dân địa phương đào đất đắp đê, bãi cọc này dài khoảng 118m và rộng 20m. Các cọc gỗ ở đây chủ yếu được làm từ cây lim hoặc táu, dài từ 2,6m đến 2,8m và được đẽo nhọn một đầu để cắm sâu xuống lòng sông. Cọc được bố trí thành từng hàng, tạo nên thế trận kiên cố, ngăn chặn tàu thuyền của quân địch.
Nằm ở cửa sông Rút, thuộc phường Nam Hoà, thị xã Quảng Yên, bãi cọc Vạn Muối được phát hiện vào năm 2005 trong quá trình canh tác của người dân. Tại đây, các cọc gỗ có đường kính từ 7 đến 22cm, được cắm theo nhiều góc độ khác nhau để tăng hiệu quả phòng thủ.
Một số cọc tại bãi Vạn Muối đã được chuyển về bảo tàng Bạch Đằng để trưng bày, giúp du khách có cơ hội tìm hiểu về chiến lược quân sự đặc biệt của ông cha ta. Từ đó, có thể hiểu hơn về lịch sử vẻ vang và sáng tạo trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.
Bãi cọc đồng Má Ngựa nằm tại khu Hưng Học, phường Nam Hoà, cách bãi cọc Vạn Muối khoảng 1km. Khu vực này có diện tích khoảng 2.100m², với các cọc được cắm thành dãy như tường thành. Cọc tại đây được làm từ nhiều loại gỗ như lim, hoàng linh, chò nâu, giẻ đỏ, và bố trí dày đặc để tạo thành thế trận phòng thủ bất khả xâm phạm.
Sông Bạch Đằng đã chứng kiến ba chiến công vang dội trong lịch sử Việt Nam, khẳng định ý chí quật cường và tài năng quân sự của dân tộc:
Trận chiến năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo: Ngô Quyền đã chỉ huy quân dân ta đánh bại quân Nam Hán bằng cách lợi dụng thủy triều để bẫy tàu địch vào thế trận cọc ngầm. Chiến thắng này không chỉ chấm dứt ách đô hộ của phương Bắc mà còn mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc.
Trận chiến năm 981 dưới triều Lê Đại Hành: Trong cuộc xâm lược của quân Tống, Hoàng đế Lê Đại Hành đã tổ chức một trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân giặc và bảo vệ thành công chủ quyền lãnh thổ.
Trận chiến năm 1288 do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy: Hưng Đạo Vương đã dẫn dắt quân dân ta đánh bại quân Nguyên-Mông trong cuộc xâm lược lần thứ ba. Với chiến lược tài tình, ông đã tiêu diệt hầu hết đội thuyền của địch, buộc chúng phải rút lui hoàn toàn.
Sông Bạch Đằng không chỉ là nơi ghi dấu những chiến thắng oai hùng mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Các di tích bãi cọc tại đây đã được công nhận là di sản văn hóa lịch sử quan trọng, thu hút đông đảo du khách và các nhà nghiên cứu. Ngày nay, sông Bạch Đằng không chỉ là điểm tham quan du lịch mà còn là nơi giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và sự trân trọng những giá trị lịch sử.
Bên cạnh sông Bạch Đằng, thì Việt Nam còn có rất nhiều địa điểm mang dấu ấn lịch sử vẻ vang, được gìn giữ và bảo vệ cho đến ngày nay. Trong đó, có thể kể đến là Dinh Độc Lập, minh chứng cho lòng yêu nước; Hồ Hoàn Kiếm nơi mang câu chuyện bí ẩn về tinh thần dân tộc; Hoàng Thành Thăng Long di sản lịch sử ngàn năm; Văn Miếu - Quốc Tử Giám, địa điểm chứng minh sự hiếu học của nước nhà; Ải Chi Lăng, vị trí hội tụ các di tích lịch sử vẻ vang;...
Nếu có dịp, hãy đến thăm sông Bạch Đằng để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và lắng nghe những câu chuyện hào hùng của cha ông ta trong hành trình gìn giữ độc lập, tự do cho đất nước! Hãy theo dõi chúng tôi để tìm hiểu cũng như có cơ hội trải nghiệm và khám phá nhiều hơn nhé!
Tổng bình luận: 0 👇 Lướt ở dưới để xem